Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Bệnh phế quản và bệnh phổi

BỆNH PHẾ QUẢN HOẶC BỆNH PHỔI KÉO DÀI
Một số bệnh phế quản hoặc bệnh phổi kéo dài cũng có thể đưa đến suy tim. Dạng suy tim này, người ta gọi là bệnh tim phổi mạn.
1. Viêm phế quản mạn
Người bệnh ho kéo dài hàng tháng, hàng năm: ho có đờm, ít hoặc nhiều nhưng bao giờ cũng có. Cũng có khi ho thành từng đợt vài tuần lễ, có khi ho quanh năm, sốt khi có khi không. Theo qui định nếu ho quá ba tháng mỗi năm, và trong hai năm liền thì được coi là viêm phế quản mạn.
Trong bệnh này, các phế quản có nhiệm vụ dẫn không khí vào phổi bị dày lên, lòng hẹp lại, làm cho thông khí khó khăn. Khí thải CO2 bị tích lại trong các phế nang gây phản xạ co các động mạch phổi. Từ đó, áp lực trong động mạch phổi (tức là tiểu tuần hoàn) tăng lên, tâm thất phải bắt buộc phải làm việc quá sức và bị suy, khi áp lực trong động mạch chủ (đại tuần hoàn) tăng lên thì tâm thất trái bị “quá tải”. Trường hợp này, tâm thất phải bị suy trước, sau đó kéo theo cả suy tâm thất trái, thành suy tim toàn bộ.
2. Hen phế quản
Hen phế quản cũng hay đưa đến suy tim: trong cơn hen, các phế quản nhỏ co thắt lại, cũng gây tích luỹ khí thải CO2 làm tăng áp lực trong động mạch phổi. Nếu ta cắt cơn được ngay, tất cả sẽ trở lại bình thường. Tiếc thay một số bệnh nhân không biết cách hoặc không có thuốc cắt cơn, để co thắt phế quản kéo dài. Nếu cứ như vậy nhiều lần, tâm thất phải bị suy, cũng là tim phổi mạn.
3. Các bệnh giãn phế nang (còn gọi là giãn phổi), nhiễm bụi phổi, lao xơ chiếm những vùng rộng của phổi, dày màng phổi... đều có thể gây suy tim, nhưng ít hơn.
Điều trị những trường hợp suy tim do bệnh phổi, cần phải chữa bệnh phổi trước tiên: chống nhiễm trùng, cắt cơn co thắt phế quản, tập thở khí công...
4. Những trường hợp lồng ngực bị biến dạng nhiều
Do cột sống bị cong, gù, vẹo, hoặc mổ phổi xong bị xẹp ngực. Những biến dạng đó làm trở ngại cho hoạt động của phổi, cũng có thể đưa đến suy tim.
Điều trị suy tim ở đây, trước tiên phải “phẫu thuật chỉnh hình” lồng ngực.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét